Bé Khỏe
Cẩm nang cho bé

Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ

avatar
viết bởi Hoàng Anh
24-07-2024 22:00
Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ

Trẻ em thường có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ bị vi khuẩn và virus tấn công. Để xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc, việc tăng cường khả năng miễn dịch là điều cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp tại nhà để nâng cao sức đề kháng cho bé. Bài viết sau đây sẽ đề cập đến các phương pháp và lời khuyên hữu ích cho việc này.

Khái quát về vai trò của hệ miễn dịch đối với sức khỏe

Hệ miễn dịch đóng vai trò như một lá chắn vững chắc, bảo vệ trẻ khỏi các mầm bệnh xâm nhập từ môi trường bên ngoài. Ngay sau khi sinh ra, trẻ không chỉ nhận được kháng thể từ mẹ qua giai đoạn thai nghén mà còn tiếp tục được tăng cường miễn dịch qua sữa mẹ. Tuy nhiên, nguồn miễn dịch này chỉ tồn tại tạm thời và bắt đầu suy giảm sau 6 tháng tuổi. Khi trẻ bắt đầu cai sữa, hệ miễn dịch cần phải tự lập và mạnh mẽ hơn để đối phó với các tác nhân gây bệnh.

Trong quá trình hòa nhập và phát triển xã hội, hệ miễn dịch của trẻ bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Càng tiếp xúc nhiều với môi trường xung quanh, trẻ càng phải đối mặt với nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau. Hệ miễn dịch sẽ “học” cách nhận biết và đáp trả lại những tác nhân này, từ đó sản xuất ra kháng thể nhanh chóng và hiệu quả hơn khi chúng tái xuất hiện.

Điểm cần lưu ý là hệ miễn dịch của trẻ nhỏ vẫn còn non nớt và đang dần hoàn thiện. Đặc biệt trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi, trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Tuy nhiên, đến khoảng 3 – 4 tuổi, hệ miễn dịch bắt đầu trưởng thành, có khả năng tự sản xuất ra kháng thể để chống lại các mầm bệnh, tương tự như ở người lớn.

Một số cách tăng cường miễn dịch cho trẻ hiệu quả tại nhà

Để tăng cường miễn dịch cho trẻ trước sự tấn công của các tác nhân gây hại, cha mẹ có thể thực hiện một số biện pháp sau:

Bú sữa mẹ

Sữa mẹ cung cấp tế bào bạch cầu, nguồn kháng thể để cải thiện hệ miễn dịch cho trẻ sau khi chào đời. Nhờ việc bú sữa mẹ mà trẻ có thể phòng ngừa được các bệnh nhiễm trùng, đột tử sơ sinh, làm giảm nguy cơ dị ứng sữa ở trẻ sơ sinh, tăng sức đề kháng cho trẻ, sữa mẹ tốt cho sự phát triển của trí thông minh, thị lực và hệ thần kinh, kích thích xương hàm cho trẻ. Đặc biệt sữa mẹ sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ ở 6 tháng đầu.

Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng 

Để hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả, sự kết hợp của các vi chất dinh dưỡng như vitamin A, C, D, E, cùng với protein, kẽm, selen, sắt là không thể thiếu. Những chất này đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại quá trình oxy hóa, bảo vệ sức khỏe tế bào, hỗ trợ sự phát triển của hệ miễn dịch và sản sinh kháng thể.

Một chế độ ăn uống cân đối và phong phú với đầy đủ dưỡng chất là chìa khóa để nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ. Các thực phẩm như rau cải xanh đậm, hoa quả giàu vitamin C, thịt đỏ, đều là những nguồn cung cấp tuyệt vời cho hệ miễn dịch của trẻ.

Khoai lang, bí ngô, và rau cải xanh đậm, giàu vitamin A và beta-carotene, giúp ngăn chặn các bệnh tật. Việc tiêu thụ nhiều rau cải không chỉ củng cố hệ miễn dịch cho trẻ mà còn hỗ trợ phòng chống táo bón, thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn, duy trì sự ổn định của đường ruột và tăng cường sức đề kháng.

Trứng, sữa, đậu, nấm, cá, thịt, đều là nguồn thực phẩm giàu kẽm, một vi chất quan trọng giúp tăng cường khả năng chống vi khuẩn, cải thiện miễn dịch và kích thích khẩu vị cho trẻ. Các loại cá chứa omega-3 như cá hồi, cá ngừ, cá basa, cá thu, cũng cần được bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày của trẻ để giảm mệt mỏi, tăng cường chức năng não và cải thiện giấc ngủ.

Bằng cách duy trì một chế độ ăn giàu dinh dưỡng và vi chất, cha mẹ có thể giúp trẻ tăng cường miễn dịch một cách tự nhiên, từ đó giảm thiểu các vấn đề về tiêu hóa và tình trạng ốm đau thường xuyên. Khi sử dụng các sản phẩm dược phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất, cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo liều lượng phù hợp với nhu cầu của trẻ.

Tạo lập thói quen sinh hoạt tốt cho sức khỏe

Đảm bảo giấc ngủ:

Giấc ngủ đóng một vai trò không thể thiếu trong sự phát triển toàn diện của trẻ, cả về mặt tinh thần lẫn thể chất. Một giấc ngủ đầy đủ và sâu giúp tăng cường hệ miễn dịch, trong khi thiếu ngủ có thể làm giảm khả năng miễn dịch, tạo điều kiện cho các mầm bệnh tấn công.

Tùy theo từng lứa tuổi, cha mẹ cần đảm bảo trẻ ngủ đủ số giờ cần thiết: trẻ sơ sinh cần khoảng 18 – 20 giờ/ngày, trẻ nhỏ cần 12 – 13 giờ/ngày, và trẻ mẫu giáo cần 10 giờ/ngày. Ngoài ra, việc tạo ra một môi trường ngủ an toàn, yên tĩnh và mát mẻ là quan trọng để đảm bảo chất lượng giấc ngủ của trẻ.

Tập thể dục:

Hoạt động thể chất thường xuyên thông qua việc tập thể dục cũng góp phần cải thiện hệ miễn dịch của trẻ. Cha mẹ nên khuyến khích và tham gia cùng trẻ trong các hoạt động thể thao như đạp xe, đi bộ, để trở thành hình mẫu tích cực cho trẻ noi theo.

Giữ gìn vệ sinh:

Vệ sinh cá nhân là một yếu tố quan trọng khác trong việc tăng cường hệ miễn dịch. Khi trẻ duy trì vệ sinh sạch sẽ, khả năng bị nhiễm bệnh sẽ giảm bớt, từ đó tăng cường khả năng bảo vệ của tế bào miễn dịch. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng, vệ sinh răng miệng đúng cách ít nhất hai lần mỗi ngày, và duy trì vệ sinh cá nhân sau khi chơi đùa hoặc trước khi ăn.

Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ

Không khói thuốc

Tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá có thể khiến hệ miễn dịch của trẻ bị tổn thương vì cơ chế thải độc cơ thể trẻ chưa hoàn thiện, tần số thở của trẻ nhanh hơn so với người lớn. 

Khi thường xuyên ở trong môi trường có khói thuốc, trẻ hút thuốc thụ động sẽ tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, viêm phế quản, hen suyễn, phát triển trí tuệ và thần kinh,… Do đó, tránh để con tiếp xúc với môi trường có khói thuốc lá cũng là cách tăng cường miễn dịch cho trẻ.

Phòng ngừa lây nhiễm

Người lớn trong gia đình khi có các vấn đề về sức khỏe cũng cần có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ.

Tiêm vắc xin phòng bệnh

Trẻ nên được tiêm chủng vắc xin theo lịch khuyến cáo từ Bộ Y tế. Đây vừa là cách tăng cường miễn dịch chủ động cho trẻ vừa giúp phòng ngừa bệnh, tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.

Chỉ dùng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ

Thói quen tự cho trẻ dùng thuốc không có chỉ định từ bác sĩ có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch của trẻ. Cha mẹ cần lưu ý rằng, thuốc kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus mà chỉ có tác dụng chống lại vi khuẩn. Chưa kể đến, việc dùng sai thuốc, sai liều có thể khiến trẻ đối mặt với nguy cơ kháng thuốc, gây khó khăn cho điều trị trong tương lai. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho hệ miễn dịch và sức khỏe của trẻ, cha mẹ chỉ nên cho con dùng thuốc kháng sinh khi có chỉ định từ bác sĩ.

Nguồn: Sưu Tầm Tổng Hợp