Giải đáp trẻ sơ sinh thở rít khi bú có sao không?
Hiện tượng trẻ sơ sinh thở rít khi bú là một trong những vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Trẻ thở rít có thể là nguyên nhân tự nhiên, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Vậy trẻ sơ sinh thở rít khi bú có sao không và mẹ nên làm gì để hỗ trợ con? Dưới đây Hagu Life sẽ cung cấp thông tin chi tiết giúp mẹ hiểu rõ hơn về tình trạng này.
Trẻ sơ sinh thở rít là thế nào?
Thở rít là tiếng thở phát ra khi trẻ hít vào hoặc thở ra, kèm theo âm thanh cao giống như tiếng rít. Thở rít là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bởi ở giai đoạn này, hệ hô hấp của trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển và chưa hoàn thiện.
Tại sao trẻ thở rít khi bú?
Dưới đây là các nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng thở rít khi bú ở trẻ sơ sinh:
1. Trẻ thở rít khi bú do mềm sụn thanh quản
Trẻ sơ sinh thở rít khi bú do mềm sụn thanh quản là nguyên nhân bẩm sinh do cấu trúc thanh quản của trẻ mềm và dễ bị xẹp khi hít vào, khiến đường thở bị tắc nghẽn một phần và gây ra tiếng thở rít.
Ngoài thở rít, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc nuốt, dễ sặc, ọc sữa, ho và nôn mửa. Tình trạng này có thể khiến trẻ bú kém, chậm tăng cân do khó duy trì chất lượng bú.
Hầu hết các trường hợp mềm sụn thanh quản không cần điều trị đặc biệt và sẽ tự cải thiện khi trẻ lớn lên. Chỉ những trường hợp nặng mới cần can thiệp phẫu thuật.
>>> Xem thêm: Cách tăng lượng sữa cho trẻ sơ sinh
2. Hẹp hạ thanh môn
Hạ thanh môn là phần bên dưới thanh môn đến bờ dưới của sụn nhẫn. Tình trạng hẹp hạ thanh môn khiến luồng khí đi qua khó khăn, tạo ra tiếng thở rít.
Triệu chứng thở rít trong trường hợp này thường xuất hiện sau vài tháng đầu đời, không phải ngay khi sinh. Đa số các trường hợp có thể tự hồi phục mà không cần can thiệp y tế.
3. Vòng mạch máu
Vòng mạch máu là một dạng dị tật bẩm sinh, trong đó các mạch máu chèn ép lên khí quản, cản trở đường thở. Ngoài thở rít, trẻ có thể gặp nguy hiểm do nguy cơ ngưng thở bất cứ lúc nào.
Đây là tình trạng nghiêm trọng cần được bác sĩ chuyên khoa hô hấp theo dõi và can thiệp khi cần thiết để tránh những biến chứng nguy hiểm.
4. Bướu máu hạ thanh môn
Ở một số trẻ, mạch máu tăng sinh ở hai dây thanh tạo thành bướu máu, làm hẹp đường thở. Trẻ bị tình trạng này thường xuất hiện thở rít ngay từ những tháng đầu đời và có thể tắc nghẽn đường thở nhanh chóng.
Để xử lý mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được theo dõi và can thiệp kịp thời nếu tình trạng nặng thêm.
5. Viêm thanh khí phế quản
Viêm thanh khí phế quản là một bệnh nhiễm trùng do virus gây sưng phù nề đường thở. Kèm theo thở rít là các triệu chứng hô hấp như sốt, sổ mũi, ho. Khi thấy trẻ có dấu hiệu này, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám để được điều trị phù hợp và tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.
6. Trẻ sơ sinh thở rít khi bú do viêm phế quản
Viêm phế quản có thể do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc các yếu tố kích ứng như phấn hoa, thuốc lá, bụi bẩn và không khí ô nhiễm. Ngoài thở rít, trẻ còn có thể khó thở, nôn ói, đau ngực.
Điều trị viêm phế quản cho trẻ bao gồm việc chăm sóc, giữ ấm và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Trẻ sơ sinh thở rít khi bú nên làm gì?
Để xác định chính xác nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng thở rít ở trẻ sơ sinh, bố mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám. Bác sĩ sẽ đánh giá dựa trên các triệu chứng lâm sàng và có thể yêu cầu thực hiện các phương pháp cận lâm sàng, bao gồm:
- Nội soi phế quản: Phương pháp này giúp kiểm tra chi tiết cấu trúc của đường thở, phát hiện các bất thường ở phế quản và thanh quản có thể gây thở rít.
- Chụp X-quang ngực và cổ: X-quang giúp bác sĩ quan sát hình ảnh tổng quát của đường hô hấp, tìm kiếm dấu hiệu của tình trạng hẹp hoặc chèn ép ở phế quản, thanh quản.
- Xét nghiệm máu: Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn, xét nghiệm máu sẽ giúp xác định có sự hiện diện của nhiễm trùng không và mức độ viêm nhiễm trong cơ thể.
Nếu trẻ có dấu hiệu thở rít nhẹ, không kèm theo triệu chứng nguy hiểm khác, bố mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Với các trường hợp thở rít nghiêm trọng hoặc có biểu hiện khó thở, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ điều trị nội trú để theo dõi sát sao và hỗ trợ y tế kịp thời. Trẻ có thể cần dùng thuốc hoặc hỗ trợ oxy để duy trì nhịp thở ổn định.
Trẻ sơ sinh thở rít khi bú là hiện tượng phổ biến, thường do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mẹ hãy theo dõi sát sao tình trạng của bé và liên hệ với bác sĩ nếu bé có biểu hiện bất thường. Để chăm sóc tốt nhất cho bé yêu, mẹ đừng quên tham khảo các sản phẩm chăm sóc mẹ và bé chất lượng cao tại Hagu Life. Chúng tôi cung cấp đầy đủ các sản phẩm chính hãng từ các thương hiệu nổi tiếng, với giá cả ưu đãi và dịch vụ chu đáo.