CHĂM SÓC TRẺ BỊ RỐI LOẠN TIÊU HÓA
Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa là do chế độ ăn uống không hợp lý. Chính vì vậy, điều chỉnh chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong phòng ngừa và điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ em.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa là một vấn đề sức khỏe phổ biến ảnh hưởng đến trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới hai tuổi. Điều này phần lớn là do hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt, dễ bị vi khuẩn, virus và ký sinh trùng xâm nhập, gây bệnh đường tiêu hóa. Thêm vào đó, yếu tố vệ sinh kém và việc sử dụng kéo dài các loại thuốc kháng sinh cũng là những nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa. Chế độ dinh dưỡng không phù hợp hoặc dị ứng thực phẩm cũng có thể làm tăng nguy cơ này.
Các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng những sai lầm thường gặp như cho trẻ ăn dặm quá sớm, chọn các món khó tiêu, nhiều đạm và dầu mỡ, ăn không đúng bữa, uống loại sữa không phù hợp với độ tuổi hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là những nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
Theo TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhiều trường hợp trẻ em gặp vấn đề về tiêu hóa khi đến khám là do những sai sót trong chế độ ăn uống của trẻ. Đặc biệt, giai đoạn trẻ ăn dặm là thời điểm rất dễ phát sinh rối loạn tiêu hóa. Một số trẻ khác lại rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng do chế độ ăn kiêng quá mức; chế độ ăn thiên lệch quá nhiều về rau củ mà ít chất béo, hoặc ngược lại, chế độ ăn quá nhiều chất béo nhưng lại không đủ rau củ.
Để phòng tránh rối loạn tiêu hóa, các chuyên gia khuyến cáo rằng chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ cần phải hợp lý và khoa học. Trong 6 tháng đầu, trẻ nên được bú hoàn toàn sữa mẹ. Khi bước vào giai đoạn ăn dặm, trẻ cần được bổ sung các thực phẩm như thịt, rau củ và dầu mỡ. Ngoài ra, việc thực hiện nguyên tắc “ăn chín uống sôi” và giữ vệ sinh tay sạch sẽ là cực kỳ quan trọng để phòng tránh nhiễm khuẩn. Trẻ cũng nên tránh ăn uống tại các hàng quán không đảm bảo vệ sinh và không nên tiêu thụ thực phẩm nhanh không an toàn.
2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể trẻ bị rối loạn tiêu hóa
Về chế độ ăn cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các bậc cha mẹ nên ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ để cung cấp đủ năng lượng và giúp trẻ nhanh hồi phục.
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), trẻ bị rối loạn tiêu hóa cần chú ý các nguyên tắc dinh dưỡng như sau:
Thực phẩm giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu hóa
Để bổ sung dinh dưỡng, trẻ cần ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, chế biến dưới dạng lỏng, mềm, dễ tiêu như các loại cháo: cháo thịt gà, thịt lợn nạc nấu với cà rốt, khoai tây, bí đỏ, rau củ… giúp trẻ dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ và không gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa.
Bổ sung nước
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa có nôn, tiêu chảy… cần nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng dịch mất qua phân và nôn. Nên cho trẻ uống các loại nước như: nước canh, nước cháo, nước trái cây (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi, nước chín…
Có thể sử dụng nước gạo rang, nước cơm, nước cháo muối, cháo đường, súp cà rốt… rất tốt để bù nước và chất điện giải cho bị tiêu chảy. Nếu trẻ buồn nôn, nôn nên cho trẻ dùng một số loại thực phẩm giúp làm dịu cơn buồn nôn như: nước dùng trong, nước luộc gà hoặc nước hầm rau củ…
Lưu ý: Cần hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm gây kích thích và có thể làm tổn thương đường tiêu hóa như các món chứa nhiều chất béo, nhiều đường; đồ ăn chưa chín kỹ, không an toàn; thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng; cà phê, nước ngọt có gas…
Bổ sung probiotic
Probiotic là vi khuẩn có lợi giúp cải thiện hệ tiêu hóa của trẻ. Có thể cho trẻ ăn sữa chua hoặc bổ sung probiotic theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lưu ý trong chế biến thức ăn và cách cho trẻ ăn
- Rửa tay sạch trước khi chế biến và cho trẻ ăn. Nên chế biến thức ăn dưới dạng mềm, dễ tiêu hóa như hấp, luộc, hầm…; Tránh chiên rán, xào nấu nhiều dầu mỡ; Cắt nhỏ thức ăn để trẻ dễ nhai nuốt; Nêm nếm thức ăn nhạt, không nên cho quá nhiều gia vị.
- Nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày. Cho trẻ ăn từng ít một, không nên ép trẻ ăn quá nhiều. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Theo dõi tình trạng của trẻ sau mỗi bữa ăn.
3. Gợi ý một số món ăn tốt cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa
Súp cà rốt
- Nguyên liệu: Cà rốt 300g, đường 30g, muối vừa đủ.
- Cách chế biến: Cà rốt rửa sạch, thái nhỏ, nấu chín rồi cho vào máy xay nhuyễn. Cho cà rốt đã xay vào nồi, thêm nước vừa đủ, thêm đường và muối, đun sôi lại, để nguội ăn dần.
Cháo thịt nạc cà rốt
- Nguyên liệu: Thịt gà hoặc thịt lợn nạc 50g, gạo tẻ 100g, cà rốt ½ củ, gia vị vừa đủ.
- Cách chế biến: Gạo vo sạch cho vào nồi, đổ nước vào nấu đến khi hạt gạo nở bung. Cà rốt gọt sạch vỏ, thái nhỏ hạt lựu, cho vào nồi hầm cùng cháo. Thịt gà hoặc lợn băm nhỏ, ướp gia vị 15 phút. Cho thịt vào nồi cháo đun sôi lại khoảng 5 phút, nêm gia vị là dùng được.
Cháo thịt lợn, cà rốt, khoai tây
- Nguyên liệu: Gạo tẻ: 100g, khoai tây 50g, cà rốt 50g, thịt lợn nạc 50g, gia vị vừa đủ.
- Cách chế biến: Gạo vo sạch cho vào nồi, đổ nước vào nấu đến khi hạt gạo nở bung. Cà rốt và khoai tây thái nhỏ cho vào nồi hầm cùng cháo. Thịt lợn băm nhỏ, ướp gia vị 15 phút. Khi cháo chín nhừ thì cho thịt vào, đun sôi lại khoảng 5 phút là dùng được.
Cháo thịt gà, bí đỏ
- Nguyên liệu: Gạo tẻ 100g, thịt gà 50g, bí đỏ 50g, gia vị vừa đủ.
- Cách chế biến: Gạo vo sạch cho vào nồi, đổ nước vào nấu đến khi hạt gạo nở bung. Thịt gà băm nhỏ, ướp gia vị 15 phút. Bí đỏ thái miếng hấp chín, tán nhuyễn hoặc thái nhỏ cho vào nồi nấu cùng cháo cho nhừ. Khi cháo chín nhừ thì cho thịt gà vào quấy đều, đun sôi thêm 5 phút, nêm gia vị là dùng được.
Sữa chua
Sữa chua là thực phẩm đặc biệt tốt cho sức khỏe đường ruột. Sữa chua cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các vi khuẩn có lợi giúp bảo vệ hệ tiêu hóa và nâng cao sức đề kháng.
Sữa chua dễ tiêu hóa, tăng cường hấp thụ dinh dưỡng nên rất phù hợp với trẻ biếng ăn, rối loạn tiêu hóa. Đồng thời nó cũng giàu protein, canxi và vitamin D có lợi cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Nguồn: Báo SKĐS